Chi tiết tin - Sở Kế Hoạch Đầu Tư
TÁI CƠ CẤU KINH TẾ GẮN VỚI CHUYỂN ĐỔI MÔ HÌNH TĂNG TRƯỞNG THEO HƯỚNG NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ VÀ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CỦA TỈNH QUẢNG TRỊ GIAI ĐOẠN 2013 - 2020 (phần 1)
Cùng với những thành tựu của sự nghiệp đổi mới đất nước, trong 25 năm sau ngày tái lập tỉnh đến nay, Quảng Trị đã nỗ lực phấn đấu vượt qua nhiều khó khăn, thử thách và đạt được những kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Tốc độ tăng trưởng kinh tế liên tục đạt mức khá, đời sống nhân dân và phúc lợi xã hội được cải thiện và từng bước nâng cao, kết cấu hạ tầng được đầu tư ngày càng đồng bộ…
Tuy nhiên, quá trình phát triển kinh tế của tỉnh cũng bộc lộ rõ những tồn tại, khiếm khuyết, như: tăng trưởng chủ yếu dựa vào gia tăng các nguồn lực đầu vào, nhất là vốn đầu tư, trong khi mức độ phụ thuộc vào trợ cấp từ ngân sách Trung ương vẫn chưa được cải thiện, hiệu quả sử dụng vốn còn nhiều bất cập, năng suất lao động thấp; năng lực cạnh tranh cấp tỉnh chưa được cải thiện; chưa có ngành kinh tế mũi nhọn làm động lực cho sự phát triển của tỉnh; chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm… Do đó, đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu nền kinh tế là yêu cầu tất yếu để tỉnh Quảng Trị từng bước thoát nghèo và phát triển bền vững. Trước thực trạng đó, sở Kế hoạch và Đầu tư đã thực hiện nghiên cứu đề tài khoa học: “Tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng của tỉnh Quảng Trị theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013 - 2020”.
Nhận định về mô hình tăng trưởng và quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh giai đoạn 2006 - 2013
Trên cơ sở phân tích thực trạng phát triển, chất lượng, quy mô, tình hình chuyển dịch cơ cấu của các ngành, vùng, thành phần kinh tế, cơ cấu và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư của tỉnh từ năm 2006 đến nay, nội dung nghiên cứu đề tài đã chỉ rõ mô hình tăng trưởng kinh tế của tỉnh hiện nay là mô hình tăng trưởng theo chiều rộng, dựa vào các yếu tố tài nguyên, lao động, nguồn vốn đầu tư để tăng quy mô, mở rộng sản xuất; việc phát triển theo chiều sâu, dựa vào công nghệ hiện đại, sử dụng ít tài nguyên, tăng năng suất lao động, nâng cao giá trị gia tăng còn hết sức hạn chế. Mô hình này thể hiện trên các đặc điểm sau:
(1) Chuyển dịch cơ cấu kinh tế giữa các ngành và trong nội bộ từng ngành kinh tế còn chậm; cơ cấu kinh tế của các vùng còn nhiều bất cập; chưa khai thác được tiềm năng, lợi thế hoặc xây dựng được các các ngành, lĩnh vực, sản phẩm mang tính đột phá làm động lực cho quá trình phát triển.
(2) Ngành nông, lâm nghiệp, thuỷ sản mặc dù chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế, chi phối sự phát triển của tỉnh và đời sống nhân dân, nhưng giá trị đóng góp cũng như quy mô sản xuất còn nhỏ, các mô hình sản xuất tiên tiến, hiện đại chưa có điều kiện phát triển.
(3) Ngành công nghiệp tuy có tốc độ tăng trưởng cao nhưng yếu tố hiện đại trong toàn ngành chưa được quan tâm đúng mức; trình độ kỹ thuật công nghệ vẫn ở mức trung bình; nguồn vốn và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất trong tỉnh còn nhiều hạn chế; các khu, cụm công nghiệp của tỉnh chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ; chính sách thu hút đầu tư và môi trường đầu tư chậm cải thiện...
(4) Cơ cấu dịch vụ của tỉnh có sự chuyển dịch đúng hướng, nhưng sự chuyển dịch này vẫn chưa rõ nét, tương đối chậm. Những ngành dịch vụ có hàm lượng chất xám và giá trị gia tăng cao như dịch vụ tài chính - tín dụng, dịch vụ tư vấn, ... còn chậm phát triển.
(5) Các sản phẩm công nghiệp chủ yếu của tỉnh là sản phẩm khai thác tài nguyên thiên nhiên như quặng Imenit, quạng Zircon, Ti tan, đá xây dựng... Điều này phản ánh việc chậm chuyển đổi, áp dụng máy móc, thiết bị hiện đại vào sản xuất, còn sử dụng nhiều công nghệ lạc hậu, tiêu hao nhiều nguyên, nhiên vật liệu.
(6) Tốc độ tăng trưởng vốn đầu tư bình quân hàng năm rất cao, giai đoạn 2006 - 2013 là 18%; hệ số ICOR tăng liên tục và ở mức cao, bình quân giai đoạn 2006-2010 là 5,2; đến giai đoạn 2011-2015 là 6 (ICOR cả nước giảm từ 6,7 giai đoạn 2006 - 2010 còn 5,43 trong giai đoạn 2011 - 2015). Điều này chứng tỏ mặc dù mức chênh lệch ICOR so với cả nước tuy không cao nhưng hiệu quả đầu tư trên địa bàn tỉnh có xu hướng giảm dần và đi ngược lại với cả nước. ICOR ngày càng cao còn thể hiện mô hình tăng trưởng chưa có sự chuyển biến theo chiều sâu.
(7) Các doanh nghiệp trên địa bàn chủ yếu là doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ; mức độ đầu tư áp dụng khoa học công nghệ thấp; trình độ quản trị còn yếu kém. Doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các loại sản phẩm hàng hoá hình thành từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ và thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ hầu như không có; thị trường khoa học công nghệ chưa phát triển.
(8) Năng suất lao động của tỉnh chậm được cải thiện; so với bình quân cả nước, năng suất của tỉnh chỉ bằng khoảng 62 - 78%. Năng suất lao động thấp phản ánh các ngành, lĩnh vực sản xuất có giá trị gia tăng cao chậm phát triển và chiếm tỷ lệ nhỏ, sản xuất theo hình thức gia công, sơ chế còn chiếm tỷ lệ chi phối. Quá trình chuyển dịch kinh tế vẫn chưa tạo được cơ cấu, năng suất lao động thật sự hợp lý và tối ưu, vẫn có sự chênh lệnh quá lớn giữa các ngành kinh tế, các thành phần kinh tế và các vùng kinh tế của địa phương. Tỉnh cũng chưa có các chính sách, biện pháp cụ thể để giải quyết, chuyển đổi lực lượng lao động dư thừa khi năng suất lao động tăng lên.
Từ thực tiễn đó, nhóm nghiên cứu đã tiến hành phân tích kỹ các điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức nhằm xác định vị thế và khả năng thích ứng của tỉnh trước các biến động khó lường có thể xảy ra trong nước cũng như trên thế giới. Kết quả phân tích cho thấy trong những năm tới, bối cảnh kinh tế tỉnh phải nỗ lực giải quyết nhiều vấn đề nội tại (10 điểm yếu) đồng thời phải đối mặt với nhiều thách thức, rủi ro có thể xảy ra. Bên cạnh đó, để có thể phát huy được các điểm mạnh và tận dụng được các cơ hội nhằm thúc đẩy tái cơ cấu và chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, đòi hỏi phải xác định được các mục tiêu rõ ràng, khả thi; đồng thời phải đề xuất được hệ thống các giải pháp thực sự đồng bộ, hiệu quả và phù hợp với điều kiện nguồn lực hạn hẹp của tỉnh.
Tác giả bài viết: Trần Đức Tâm - TUV, UVUB, GĐ Sở KH&ĐT
- Đề án thành lập Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (19/03/2022)
- Cảm nhận về Cán bộ làm công tác Kế hoạch (19/03/2022)
- Công tác bảo vệ và phát triển rừng ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2015-2020 (19/03/2022)
- THAM LUẬN MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ ĐỊNH HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP ĐỘT PHÁ PHÁT TRIỂN KINH TẾ TỈNH QUẢNG TRI TRONG BỐI CẢNH HỘI NHẬP VÀ LIÊN KẾT KHU VỰC NGÀY CÀNG MẠNH MẼ HƠN (19/03/2022)