Chi tiết tin - Sở Kế Hoạch Đầu Tư

Năm 2023, tỉ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GRDP của tỉnh Quảng Trị chiếm 7,09%

Post date: 30/12/2023 10:28:00

Ngày 29/12/2023, tại họp báo công bố số liệu kinh tế - xã hội quý IV và cả năm 2023, Tổng cục Thống kê lần đầu tiên công bố Tỉ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong tổng sản phẩm nội địa (GDP), tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP).

 Phát triển kinh tế số là chủ trương lớn của Đảng và  Nhà nước, đã được đề ra tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện gặp một số khó khăn như: Thách thức trong việc thống nhất định nghĩa, khái niệm và nội hàm của kinh tế số. Kinh tế số có nhiều khái niệm, quan điểm và cách tiếp cận khác nhau dẫn tới sự khác biệt lớn trong kết quả tính toán quy mô kinh tế số và đóng góp của kinh tế số trong GDP. Thách thức thứ hai liên quan đến xác định các nguồn số liệu biên soạn quy mô kinh tế số, phương pháp truyền thống không thể bao quát toàn bộ các hoạt động kinh tế số, nhất là sự xuất hiện các nguồn dữ liệu phi truyền thống như dữ liệu lớn, dữ liệu trực tuyến. Thách thức thứ ba trong xác định các hoạt động kinh tế số trong từng ngành, việc xác định và bóc tách hoạt động kinh tế theo ngành kinh tế. Thách thức thứ tư là việc cập nhật và phản ánh các sản phẩm số trong chi phí đầu vào chi phí đầu tư cho hoạt động sản xuất.

Hiện nay, trên thế giới đã có nhiều nước nghiên cứu và công bố chỉ tiêu tỉ trọng kinh tế số trong tổng giá trị tăng thêm hoặc tỉ trọng kinh tế số trong GDP. Ở Việt Nam, chỉ tiêu số 0517 “Tỉ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong tổng sản phẩm trong nước” được quy định trong Luật sửa đổi bổ sung một số điều và Phụ lục Danh mục chỉ tiêu Thống kê quốc gia của Luật Thống kê ngày 12/11/2021. Ngày 07/11/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 94/2022/NĐ-CP quy định nội dung chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và quy trình biên soạn chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước.

Để đo lường chỉ tiêu tỉ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP và GRDP, Tổng cục Thống kê đã nghiên cứu, tham khảo tài liệu hướng dẫn của các tổ chức quốc tế như Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và nghiên cứu của Bùi Trinh và Nguyễn Việt Phong (2022). Đo lường đóng góp giá trị tăng thêm của kinh tế số vào tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam được tiếp cận từ cả phía cung và phía cầu dựa trên nguồn thông tin sẵn có là bảng cân đối liên ngành (bảng IO), đồng thời dựa trên thông tin về chi phí ứng dụng công nghệ thông tin của các doanh nghiệp, cơ sở hành chính sự nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể được thu thập từ các cuộc điều tra thống kê như Tổng điều tra kinh tế, điều tra doanh nghiệp, điều tra cá thể, điều tra lập bảng cân đối liên ngành và xây dựng hệ số chi phí trung gian. Chỉ tiêu tỉ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP, GRDP được biên soạn theo giá hiện hành. Tổng cục Thống kê xác định khái niệm, phạm vi và phương pháp tính cụ thể như sau:

Kinh tế số là các hoạt động kinh tế sử dụng công nghệ số làm yếu tố đầu vào chính, sử dụng môi trường số làm không gian hoạt động chính, sử dụng công nghệ thông tin – viễn thông để tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh, quản lý điều hành và tối ưu họat động kinh tế. Kinh tế số bao gồm các ngành hỗ trợ kinh tế số (ngành kinh tế số lõi) và các ngành được hỗ trợ bởi ngành kinh tế số (ngành kinh tế được số hóa). Như vậy kinh tế số bao gồm ngành kinh tế số lõi và ngành kinh tế được số hóa.

Các ngành kinh tế số lõi bao gồm 7 ngành cấp 2: (1) Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học; (2) Bán buôn máy vi tính, thiết bị ngoại vi và phần mềm; (3) Bán buôn thiết bị và linh kiện điện tử, viễn thông; (4) bản phần mềm; (5) Viễn thông: Lập trình máy vi tính, dịch vụ tư vấn và các hoạt động khác liên quan đến máy vi tính; (6) Xử lý dữ liệu, cho thuê và các hoạt động liên quan; (7) Cổng thông tin; sửa chữa máy vi tính và thiết bị ngoại vi; và sửa chữa máy tính và thiết bị liên lạc.

Các ngành kinh tế được số hóa là ngành sử dụng sản phẩm kinh tế số lõi làm chi phí đầu vào cho quá trình sản xuất, kinh doanh. Mỗi ngành sẽ có mức độ sử dụng sản phẩm kinh tế số lõi làm chi phí đầu vào khác nhau nên có tỷ lệ số hóa khác nhau.

Tỉ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP, GRDP là tỉ lệ phần trăm giữa tổng giá trị tăng thêm do kinh tế số tạo ra so với tổng sản phẩm trong nước hoặc tổng sản phẩm trên địa bàn trong kỳ báo cáo

Theo Tổng cục Thống kê, tỉ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP của Việt Nam các năm từ 2020-2023 lần lượt là 12,66%, 12,88% 12,63% và 12,33%. Trung bình tỉ trọng giá trị tăng thêm kinh tế số trong GDP các năm 2020-2023 đạt khoảng 12,62% và năm 2023 là 12,33%, trong đó ngành kinh tế số lõi đóng góp 7,42% (chiếm 60,19%), số hóa các ngành khác đóng góp 4,91% (chiếm 39,81%). Tỉ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP có xu hưởng giảm do ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học (chiếm khoảng hơn 30% tổng giá trị tăng thêm của hoạt động kinh tế số) giảm do nhu cầu thế giới giảm. Bên cạnh đó, các ngành dịch vụ có giá trị tăng thêm tạo ra do ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như trong công tác quản lý điều hành có xu hướng tăng lên. Điều này thể hiện sự nỗ lực của Chính phủ trong việc đẩy mạnh phát triển công nghệ thông tin và truyền thông, hoạt động số hóa của các ngành kinh tế ngày càng được tăng cường, đặc biệt là các ngành dịch vụ có xu hướng số hóa ngày càng tăng giúp tỉ trọng đóng góp giá trị tăng thêm của khu vực dịch vụ trong GDP từ 6,53% năm 2020 lên 6,65% năm 2023.

Bên cạnh các ngành kinh tế số lõi, một số ngành có giá trị tăng thêm kinh tế số trung bình các năm 2020-2023 cao như: Thương mại bán buôn, bán lẻ chiếm khoảng 13% tổng giá trị tăng thêm của kinh tế số; Sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí trung bình các năm từ 2020-2023 ước chiếm khoảng 4%; Sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn chiếm khoảng 2%; Hoạt động phát thanh, truyền hình chiếm khoảng 2%; Hoạt động dịch vụ tài chính khoảng 2%. Một số ngành có hoạt động số hóa thấp và gần như không thực hiện số hóa như hoạt động thú y; hoạt động trợ giúp xã hội; hoạt động chăm sóc, điều dưỡng tập trung; sản xuất sản phẩm thuốc lá; Xử lý ô nhiễm và hoạt động quản lý chất thải khác… (chiếm khoảng 0,002% tổng giá trị tăng thêm của kinh tế số).

Đối với tỉnh Quảng Trị, ước tính tỉ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GRDP đạt được năm 2020: 7,48%, năm 2021: 6,94%, năm 2022: 6,90%, năm 2023: 7,09%; có tỉ trọng tương đối khá so với một số tỉnh miền Trung (năm 2023: Thanh Hóa 5,11%, Nghệ An 7,40%, Hà Tĩnh 7,20%, Quảng Bình 6,61%, Thừa Thiên – Huế 7,52%, Đà Nẵng 14,39%, Quảng Nam 7,48%, Quảng Ngãi 5,55%).

Nguồn tham khảo: https://www.gso.gov.vn/tin-tuc-thong-ke/2023/12/thong-cao-bao-chi-ve-ket-qua-bien-soan-chi-tieu-ty-trong-gia-tri-tang-them-cua-kinh-te-so-trong-gdp-grdp-cua-viet-nam/

SỞ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ QUẢNG TRỊ
ĐC: 128 Hoàng Diệu - P. Đông Thanh - TP. Đông Hà - Quảng Trị
ĐT: 0233 3852 529 - Fax: 0233 3851760
Email: sokhdt@quangtri.gov.vn
HỆ THỐNG CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH QUẢNG TRỊ