Chi tiết tin - Sở Kế Hoạch Đầu Tư

THAM LUẬN MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ ĐỊNH HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP ĐỘT PHÁ PHÁT TRIỂN KINH TẾ TỈNH QUẢNG TRI TRONG BỐI CẢNH HỘI NHẬP VÀ LIÊN KẾT KHU VỰC NGÀY CÀNG MẠNH MẼ HƠN

Post date: 25/02/2015 09:36:00

Chúng ta đang bước vào năm 2015 với tâm thế tích cực hoàn thành cao nhất kế hoạch 5 năm 2011-2015 và chuẩn bị các tiền đề vật chất, cơ chế chính sách, các giải pháp có tính đột phá cho thời kỳ 2016-2020 bằng sự kỳ vọng của thời kỳ chuyển biến mạnh mẽ để tạo đà cho Quảng Trị thoát khỏi nhóm tỉnh nghèo và phát triển nhanh, bền vững.

Nhìn lại quá trình 25 năm tái lập tỉnh (1989) và kế hoạch 5 năm qua, nền kinh tế của tỉnh đã đạt nhiều thành quả đáng ghi nhận, cơ sở hạ tầng được tập trung xây dựng, khu vực nông thôn, đô thị có sắc diện mới; đời sống của nhân dân đã từng bước cải thiện và ổn định, nhất là công tác chăm lo xóa đói giảm nghèo đã đạt được kết quả vượt bậc, tỉ lệ hộ nghèo giảm xuống còn lại 9,42%. Song về tiềm lực kinh tế chưa thoát khỏi tỉnh nghèo, GRDP/người đạt 33 triệu đồng đến nay chỉ bằng 70% bình quân cả nước, với mục tiêu của tỉnh đến năm 2020 tăng gấp đôi mới chỉ đạt khoảng 65 triệu đồng/năm thì mới chỉ bằng 81% bình quân của vùng Miền Trung; tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm đạt thấp, bình quân 5 năm đạt 7,4% không đạt kế hoạch đề ra, trong khi tăng trưởng chủ yếu dựa vào yếu tố vốn đầu tư và khai thác tài nguyên, chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế phát triển của tỉnh. Nếu so với các tỉnh khác trong khu vực, tỉnh ta có nguy cơ bị tụt hậu và sẽ chịu sự cạnh tranh gay gắt trên con đường xây dựng và phát triển. Thực trạng đó có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan.
       Về khách quan, do xuất phát điểm của nền kinh tế thấp, nằm xa các trung tâm kinh tế lớn, kết cấu hạ tầng còn yếu kèm, không đủ sức cạnh tranh thu hút đầu tư với các tỉnh trong khu vực; Chính phủ chưa có chính sách đầu tư riêng cho những tỉnh nghèo hoặc cơ chế đặc thù trong khai thác các lợi thế về tiềm năng để tự vượt lên. Trước đây, Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo thành lập theo Quyết định 219/1998/QĐ-TTg có nhiều chính sách đặc biệt, tạo điều kiện để đầu tư hình thành nên đô thị mới, đời sống của người dân ở khu vực cửa khẩu đã có nhiều chuyển biết tích cực nhưng hiện nay các chính sách đó đang sửa đổi xóa nhiều điểm ưu đãi làm cho nhiều nhà đầu tư tại khu này rơi vào tình trạng khó khăn.
       Về chủ quan, do thực lực nền kinh tế thấp, yếu, chưa đưa ra được các chính sách, giải pháp riêng phù hợp với lợi thế phát triển của tỉnh để thu hút đầu tư; nguồn lực vừa nhỏ vừa phân tán, mất cân đối giữa nguồn lực và nhu cầu đầu tư đảm bảo theo cơ cấu kinh tế. Nền kinh tế đang phát triển theo chiều rộng, phụ thuộc chủ yếu vào sự hỗ trợ từ Trung ương, chất lượng nguồn nhân lực thấp, nhất là lực lượng doanh nhân mỏng, nhỏ và hạn chế về vốn, công nghệ, năng lực quản trị…
Như vậy, nhìn một cách khách quan và tổng quan trên bình diện chung của cả nước thì tỉnh Quảng Trị đang trong tình thế thử thách lớn, nguy cơ bị tụt hậu cao so với các tỉnh trong khu vực. Để thời kỳ tới 2016-2020 đạt được mục tiêu vượt nghèo, phát triển nhanh và bền vững thì ngay từ bây giờ cần phải có hướng đi đúng, đầu tư trọng điểm, giải pháp thích hợp, chỉ đạo quyết liệt và sự trợ giúp vượt trội của Trung ương.
Để có cơ sở hoạch định đúng phương hướng phát triển và đề xuất với Trung ương nên chăng chúng ta cần nhìn nhận một cách khách quan về thực trạng, tiềm lực và thế mạnh của tỉnh cần khai thác và phát huy.
       Về thực trạng phát triển các ngành kinh tế hiện nay, tốc độ tăng trưởng của các ngành khá cao và ổn định, cơ cấu kinh tế của tỉnh 5 năm qua có sự chuyển dịch đúng hướng. Tỷ trọng nông, lâm, ngư nghiệp chiếm 22,5%; công nghiệp - xây dựng 37,9% và thương mại - dịch vụ chiếm 39,6%. Trong nội bộ các khu vực kinh tế cũng đã có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, khả năng phát triển của các ngành cơ bản đã nhận diện khá rõ nét, cụ thể là:
Ngành nông nghiệp của tỉnh trong những năm qua nhờ thời tiết thuận lợi, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát nên đã đạt được nhiều thành quả khá. Sản lượng lượng thực có hạt năm 2014 đạt 27 vạn tấn đạt đến ngưỡng sản lượng khả năng chỉ còn nâng cao chất lượng tăng giá trị lương thực hàng hóa; cao su đạt gần 20.000 ha đã đạt và vượt diện tích quy hoạch của Bộ NN&PTNT; cà phê gần 5.000 ha, hồ tiêu 2.200 ha cơ bản phủ hết diện tích phù hợp và phần lớn đã đến kỳ tái canh trong lúc giá nông sản thế giới biến động thấp, đầu ra sản phẩm thiếu ổn định, không khuyến khích người nông dân đầu tư; chăn nuôi phân tán, duy trì ổn định cả số lượng và chất lượng trong nhiều năm; diện tích nuôi trồng thủy sản 3400 ha, tuy có nhiều cố gắng nhưng quy mô nhỏ, nhiều nơi gây ô nhiễm môi trường, dễ bị dịch bệnh; diện tích rừng 240.000 ha đã phủ xanh đất rừng và cơ bản đáp ứng đủ cho các nhà máy chế biến lâm sản của tỉnh. Tổng giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp năm 2014 (GSS2010) đạt 6.002 tỷ đồng, thấp nhất trong các tỉnh khu vực DHMT (chỉ bằng 3,7% tổng giá trị của khu vực DHMT). Như vậy, nhiệm vụ đặt ra đối với ngành nông nghiệp trong thời gian tới không còn giải pháp nào tốt hơn là phải đẩy mạnh tái cơ cấu toàn diện ngành theo hướng ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, tăng năng suất cây trồng vật nuôi, nâng cao chất lượng và giá tri hàng hóa nông sản cải thiện đời sống nông thôn. Tuy nhiên, để làm được việc này cần phải có sự quyết tâm cao, đầu tư lớn vào nông nghiệp và nông thôn và quan trọng là thay đổi được tuy duy, tập quán sản xuất nhỏ lẻ của người nông dân. Đây là việc làm không hề dễ và cần phải có thời gian.
       Thương mại - Dịch vụ của tỉnh, tuy chiếm tỉ trọng khá 39% nhưng hầu hết là doanh nghiệp nhỏ, thị trường nội địa, khả năng cạnh trạnh thị trường hạn chế nên chủ yếu bán lẻ và phát triển các loại hình dịch vụ nhỏ. Năng lực kinh doanh chưa theo kịp thị trường thế giới và khu vực. Hoạt động kinh doanh xuất, nhập khẩu tuy tăng trưởng khá, nhưng quy mô còn nhỏ bé so với các tỉnh trong vùng; công tác xúc tiến thương mại, tổ chức khai thác nguồn hàng và thị trường xuất, nhập khẩu còn hạn chế. Sự gia tăng giá trị thương mại dịch vụ phải tương ứng với sự gia tăng sản xuất, sức mua dân cư và các khu kinh tế cửa khẩu tổ chức giao lưu hàng hóa. Do vậy, cần có các giải pháp khai thác thế mạnh hành lang Đông Tây và trục kinh tế Bắc Nam.
Trên lĩnh vực Công nghiệp, trong những năm qua tỉnh đã có rất nhiều hoạt động về xúc tiến đầu tư, ban hành chính sách ưu đãi đầu tư, thành lập các khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế. Mặc dù các cơ sở công nghiệp của tỉnh quy mô không lớn, chỉ có nhà máy MDF công suất khá lớn và đang phát huy hiệu quả, bước đầu có thêm sản phẩm mới, như viên năng lượng, bia Hà Nội, bột cá, chế biến khoáng sản, tinh bột sắn…Tổng giá trị sản xuất công nghiệp năm 2014 (GSS2010) đạt 5.900 tỷ đồng, thấp nhất so với các tỉnh trong khu vực Miền Trung (chỉ bằng 3,7% tổng giá trị của khu vực).
Với những phân tích trên, vậy trong thời gian tới Quảng Trị cần lựa chọn định hướng và giải pháp đột phá nào thích hợp, muốn vậy phải chăng cần trả lời các vấn đề đi lên từ đâu, khâu then chốt nào tạo bước đột phá phát triển, cần trung ương hỗ trợ cái gì, đó là những câu hỏi đặt ra cho các mỗi chúng ta phải trăn trở suy nghĩ.
Theo tôi, phải khẳng định định hướng phát triển của tỉnh trong giai đoạn tới là tập trung nguồn lực tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về phát triển Công nghiệp mà trọng điểm là hình thành và xây dựng khu kinh tế Đông Nam, phát huy lợi thế so sánh của trục hành lang kinh tế Đông Tây trong xu thế hội nhập quốc tế. Đây là lợi thế so sánh nổi trội cơ bản mà chúng ta cần tập trung khai thác để có thể tạo ra khác biệt trong giai đoạn tới. Đồng thời, kiến nghị Trung ương chấp thuận đưa Quảng Trị vào vùng kinh tế trong điểm Miền Trung để có chính sách nổi trội hơn, tiêu chí hỗ trợ đầu tư cao hơn, các ngành sẽ rà soát bổ sung quy hoạch ngành phù hợp vùng trọng điểm và các nhà đầu tư tin tưởng mạnh dạn vào đăng ký, tìm hiểu đầu tư nhiều hơn, tạo động lực phát triển cho toàn vùng.
Trên quan điểm phát triển kinh tế trong tương quan thực hiện các chính sách mới của nhà nước, lộ trình hội nhập quốc tế và khu vực mà chúng ta chịu tác động đó là:
- Các chính sách trong nước: Năm 2015, với nhiệm vụ trọng tâm là đẩy mạnh cải cách thể chế, nhiều chính sách vĩ mô bắt đầu có hiệu lực, như: Luật đầu tư công, Luật đầu tư, Luật đất đai sửa đổi, Luật doanh nghiệp, HTX, sửa đổi, Luật Xây dựng, Luật Ngân sách, Nghị định về đầu tư theo đối tác công - tư PPP…các Luật này yêu cầu ngày càng minh bạch, hướng đến môi trường đầu tư thông thoáng hơn, tạo điều kiện tốt hơn cho doanh nghiệp phát triển, phù hợp với các thông lệ quốc tế và phát triển mạnh nền kinh tế thị trường có sự quản lý của nhà nước.
Cơ chế huy động vốn hiện nay là “tăng vay, giảm cho”, mở rộng đầu tư xã hội, kể cả đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, khuyến khích đầu tư phát triển kinh tế tư nhân, lĩnh vực nào tư nhân không đủ khả năng và điều kiện thì mới sử dụng vốn nhà nước, còn lại tạo điều kiện cho thành phần kinh tế tư nhân đầu tư khai thác. Trên quan điểm, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, trong kinh tế lực lượng doanh nhân là nồng cốt, nhất là lực lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ cần khuyến khích phát triển để tạo thêm việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, làm vệ tinh sản xuất công nghiệp phụ trợ cho ngành công nghiệp hiện đại. Xu hướng này hoàn toàn phù hợp với định hướng phát công nghiệp và doanh nghiệp của tỉnh ta.
Với một tỉnh nghèo hưởng trợ cấp ngân sách trên 70% và đang trong giai đoạn thực hiện thắt chặt đầu tư công, sự hỗ trợ của nhà nước mang tính bình quân theo các tiêu chí thì với tiềm lực đó mãi mãi không vượt qua được tỉnh nghèo và nhận trợ cấp. Từ đó tỉnh cần đề xuất Trung ương cần có chính sách riêng cho các tỉnh nghèo trong đó có Quảng Trị một chính sách đặc thù về kinh tế để tạo nền tảng vươn lên phát huy tiềm lực giảm dần trợ cấp, nhất là các Bộ, ngành có sự đồng thuận cao đưa vào quy hoạch ngành các dự án lớn cấp quốc gia tạo nên cú huých thúc đẩy các địa phương phát triển. Măc khác các Luật này tạo cơ hội mới thông thoáng hơn trong thu hút đầu tư đòi hỏi các ngành, các địa phương, nhất là cộng đồng doanh nghiệp nhận thức cơ hội tham gia cạnh tranh, CCHC, gia nhập thị trường nếu không chủ động tiếp cận đổi mới thì đây cũng là thách thức rất lớn.
       - Các chính sách quốc tế và khu vực, nhất là các Hiệp định thương mại đang diễn tiến theo lộ trình hội nhập sâu ở nước ta nói chung, tỉnh ta nói riêng đang có những tác động nhất định:
Chính sách viên trợ đầu tư chính thức ODA, ưu đãi này đang dần dần mất lợi thế khi nước ta đang có mức thu nhập trung bình thấp, nguồn viên trợ ODA đang có sự điều chỉnh giảm dần đến năm 2018 sẽ có cơ chế ít ưu đãi hơn, nhất là các khoản vay WB, ADB, Nhật Bản; nguồn vốn vay ADF dành cho giảm nghèo, việc làm và phát triển nông thôn mức hỗ trợ giảm, lãi suất tăng từ 1% lên 2%, thời gian ân hạn giảm từ 10 năm xuống còn 5 năm, nguồn vốn vay OCR (hạ tầng) giảm mức vay và tăng lãi suât gần lãi suất thương mại. Đối với tỉnh ta những năm qua (2011-2015) thụ hưởng nguồn này khá lớn 161 triệu USD, và NGO 34 triệu USD, nhất là hệ thông giao thông thủy lợi, XĐGN, bình quân hàng năm khoảng 1500 tỷ đồng (30% tổng vốn đầu tư công). Do đó, trong tình hình NSNN còn khó khăn thì đây là nguồn vốn quan trọng cần tranh thủ mạnh, muốn vậy phải được sự hỗ trợ từ các Bộ ngành Trung ương đưa vào định hướng vận động tài trợ Quốc gia, tiếp cận nhà tài trợ. Đây cũng là chính sách hỗ trợ nguồn lực nhà nước các dự án của tỉnh phải nằm trong danh mục quy hoạch, chiến lựơc ODA của Quốc gia.
Hiệp định ba bên Việt Nam - Lào - Thái Lan tạo thuận lợi cho vận tải người và hàng hóa qua biên giới (GMS-CBTA), thực hiện mô hình kiểm tra “một cửa, một điểm dừng”, thỏa thuận hoạt động vận tải du lịch bước đầu có hiệu quả trong giải quyết thủ tục hành chính. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn nhiều điểm vướng mắc cần tháo gỡ, như mẫu kê khai thông quan, tổ chức dịch vụ cửa khẩu, phối hợp các lực lượng kiểm tra, hoạt động xe tay lái nghịch…Những vấn đề này cần sớm giải quyết mới tạo được lợi thế của hành lang, trong đó có trách nhiệm chính quyền địa phương Quảng Trị.
       Các Hiệp định thương mại tự do (FTA) trong khu vực đang trong lộ trình có hiệu lực hoàn toàn, như: Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) mục tiêu kết nối thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất; Hiệp định ưu đãi thuế quan CEPT- AFTA đến năm 2018 có hiệu lực hoàn toàn hầu hết hàng hóa xuất nhập khẩu có xuất xứ trong khu vực có thuế suất 0%-5%. Như vậy, đây vừa là cơ hội để gia nhập thị trường vừa thúc đẩy sản xuất phát triển nhưng cũng tạo ra môi trường cạnh tranh khóc liệt, doanh nghiệp Quảng Trị nơi có cửa khẩu quốc tế cần có chiến lược kinh doanh để đón nhận những ưu đãi đó đồng thời chuẩn bị tinh thần canh tranh có hiệu quả.
       Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - một hiệp định thỏa thuận thương mại tự do với mục đích hội nhập các nền kinh tế thuộc khu vực châu Á-Thái Bình Dương, với sự tham gia của 12 nước, trong đó có Việt Nam. TPP đang tạo ra một khu vực thương mại lớn nhất thế giới với tổng dân số hơn 804 triệu người, sản lượng kinh tế đạt 27.807 tỷ USD, tương đương 40% GDP toàn cầu và 30% tổng doanh thu xuất nhập khẩu thế giới. TPP đã trải qua hơn 20 cuộc đàm phán chính thức và còn 20 lĩnh vực vẫn đang tiếp tục đàm phán nhưng phần lớn đã được thống nhất và có thể kết thúc đàm phán vào đầu năm 2015 này. Rõ ràng, sự AEC và TPP sẽ mang lại cơ hội phát triển kinh tế mới đầy hứa hẹn trong giai đoạn tới.
Tuy nhiên, với một tỉnh còn nghèo, kinh tế kém phát triển thì khi gia nhập AEC lẫn TPP, các doanh nghiệp sẽ gặp nhiều thách thức lớn đó là: cạnh tranh về hàng hóa, cạnh tranh về dịch vụ, cạnh tranh về thu hút đầu tư, đối mặt với các biện pháp phòng vệ thương mại và yêu cầu với chất lượng hàng hóa cũng như phương thức kinh doanh ngày càng cao. Mặt khác, năng suất lao động và kỷ luật lao động còn quá thấp. Người lao động có trình độ, có kỹ năng và tính chuyên nghiệp cao rất ít. Sự chuẩn bị của chúng ta khi vào “sân chơi chung” AEC và TPP tuy đã và đang diễn ra nhưng còn chưa kịp với tốc độ chung khi nhiều chính sách còn chậm được sửa đổi, ban hành; việc quan tâm, tìm hiểu và đề ra các bước đi thích hợp của rất nhiều doanh nghiệp về AEC và TPP còn rất ít, nhiều người còn rất lơ mơ chưa hiểu AEC và TPP là gì. Hiện nay, có trên 94% doanh nghiệp trong nước không có khả năng đàm phán thương mại, trên 63% doanh nghiệp chưa hiều gì về AEC, TPP), với người dân thì tỷ lệ này lại càng lớn hơn.
Trong xu hướng chung đang tác động nền kinh tế cả nước, dự báo sẽ ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư và thương mại của tỉnh, đó là:
       Hoạt động thương mại dịch vụ tác động trực tiếp đến phát huy lợi thế hành lang kinh tế Đông Tây nên Tỉnh cần có chiến lược đón đầu hình thành khu kinh tế cửa khẩu La Lay, tiếp tục đầu tư nâng cao hiệu quả khu TMĐB Lao Bảo, đẩy nhanh tiến độ xây dựng chuỗi đô thị hành lang (RETA) hình thành trung tâm giao thương hàng hóa.
Hoạt động đầu tư, tiếp cận các nhà đầu tư trong khối ASEAN, nhất là Thái Lan, Singapore, Malaysia…các nhà đầu tư các nước TPP, Hàn Quốc, Nhật Bản… Và có sự dịch chuyển đầu tư công nghiệp phụ trợ, công nghiệp gia công thâm dụng nhiều lao động, chất lượng lao động không cao từ các tỉnh phát triển đang tái cơ cấu, như TP HCM, Đà Nẵng…Muốn vậy, tỉnh sớm đề xuất Chính phủ cho thành lập Khu kinh tế Đông Nam và được áp dụng một số chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư.
       Tuy nhiên, để hình thành khu kinh tế Đông Nam, bên cạnh được Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập, tỉnh phải tích cực thu hút đầu tư một số dự án động lực làm hạt nhân cho khu kinh tế, trước mắt cần tổ chức quản lý quy hoạch, GPMB, hỗ trợ vốn xây dựng nhà máy nhiệt điện 1200MW(GĐ 1), lựa chọn một số nhà đầu tư chiến lược để xây dựng nhà máy giai đoạn 2 và xây dựng cảng Mỹ Thủy. Do vậy, chủ đề kết nối hành lang Đông Tây phải xác định lợi thế về giao thông, thương mại, du lịch, năng lượng và sản xuất công nghiệp.
Để làm được những vấn đề trên, tỉnh cần được sự đồng thuận các Bộ, ngành Trung ương, nhất là Ban kinh tế Trung ương cơ quan thẩm định chính sách của Đảng, tham mưu Bộ Chính trị chấp thuận chủ trương và đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, tôi xin đề nghị thực hiện mấy nội dung sau:
- Chuẩn bị kỹ nội dung để phối hợp với Thời báo kinh tế Việt Nam tuyên truyền về các chính sách mới Hội nhập quốc tế trong khai thác thế mạnh hành lang kinh tế Đông Tây với tỉnh Quảng Trị.
- Phối hợp Ban Kinh tế TW tổ chức Diễn đàn Kinh tế Quảng Trị 2015 - Kết nối hành lang kinh tế Đông Tây mang tầm cở Quốc gia, do Chính phủ chủ trì.
- Kiến nghị Chính phủ đưa Quảng Trị vào vùng kinh tế trọng điểm Miền Trung, cho thành lập khu kinh tế Đông Nam và khu kinh tế cửa khẩu hình thành trục kinh tế một hành lang hai khu kinh tế. Đồng thời quan tâm hỗ trợ đầu tư hạ tầng, nhất là hệ thống giao thông Quốc gia qua địa bàn tỉnh.

Tác giả bài viết: Nguyễn Huy - PGĐ Sở Kế hoạch và Đầu tư

SỞ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ QUẢNG TRỊ
ĐC: 128 Hoàng Diệu - P. Đông Thanh - TP. Đông Hà - Quảng Trị
ĐT: 0233 3852 529 - Fax: 0233 3851760
Email: sokhdt@quangtri.gov.vn
HỆ THỐNG CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH QUẢNG TRỊ