Chi tiết tin - Sở Kế Hoạch Đầu Tư

Cảm nhận về Cán bộ làm công tác Kế hoạch

Post date: 21/07/2015 09:41:00

Trong những người đương chức tại cơ quan Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Trị, chắc còn tôi là một trong những người vào làm công tác kế hoạch lâu nhất, nhân kỷ niệm 70 năm thành lập ngành (31/12/2015), xin chia sẻ một vài cảm nhận về công tác kế hoạch.

Trước hết tôi đến với ngành kế hoạch từ sự ngẫu nhiên, khi học xong phổ thông trung hoc tôi mơ ước thành một kỹ sư nên thi vào trường đại học bách khoa Đà Nẵng nhưng không ngờ tôi được chuyển vào khoa kinh tế chuyên ngành Kế hoạch hóa nền kinh tế quôc dân, lúc đó công tác kế hoạch theo pháp lệnh nên cơ quan nào của Nhà nước công tác kế hoạch hết sức quan trọng. Năm 1983, tôi bảo vệ luận văn tốt nghiệp với ý định sẽ làm công tác giảng dạy thay cho một giảng viên chuyển công tác, nhưng lại gặp sự cố lịch sử không đủ điều kiện làm giảng viên đại học, tôi được điều động làm giảng viên Trường nghiệp vụ kế hoạch Đà Nẵng thuộc Ủy ban Kế hoạch Nhà nước (nay là Cao đẳng Kinh tế - Kế hoạch), đó là thời điểm khởi nghiệp làm công tác kế hoạch. Năm 1990 khi Quảng Trị tái lập, tôi về quê công tác tại Ủy ban kế hoạch tỉnh Quảng Trị với công việc phụ trách tổng hợp và bắt đầu trưởng thành từ đó; đến năm 1995 được điều động làm phó Văn phòng Tỉnh ủy, Ban kinh tế Tỉnh ủy theo dõi tổng hợp kinh tế của tỉnh, theo yêu cầu của lãnh đạo tỉnh tôi tiếp tục được điều động đến công tác tại Ban quản lý khu Thương mại đặc biệt Lao Bảo - một khu kinh tế mới có chính sách đặc biệt, phụ trách công tác quản lý, xúc tiến đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp, nghiên cứu chính sách thương mại và tiếp đến được giao nhiệm vụ quản lý và xây dựng các khu du lịch, từ năm 2011 tôi lại được quay về công tác tại Sở Kế hoạch và Đầu tư. Như vậy sau 17 năm rời cơ quan, nay tiếp tục gắn bó với ngành, chắc có thể đây là lần dừng chân sự nghiệp công chức của mình cho đến khi nghỉ hưu. Suốt hơn 32 năm công tác, trải qua nhiều cương vị khác nhau, là giáo viên chuyên ngành Kế hoạch, trực tiếp tác nghiệp kế hoạch, tổng hợp và thẩm định kế hoạch, nghiên cứu và vận dụng chính sách thực thi kế hoạch và hiện nay là lãnh đạo ngành Kế hoạch - Đầu tư của tỉnh, kinh nghiệm trong quá trình công tác của mình, tôi muốn có sự chia sẻ với đồng nghiệp, nhất là những anh chị cán bộ trẻ được đào tạo cơ bản, chất lượng cao từ nhiều ngành khác nhau đang công tác tại Sở hoặc có ý định theo đuổi công việc này trong sự nghiệp của mình, đó là:
       Tôi cố gắng lý giải công tác kế hoạch có phải một nghề không ? Thực tiễn cho thấy Kế hoạch không phải một nghề, vì chẳng ai cấp chứng chỉ nghề và hàng ngày có ai thuê làm kế hoạch đâu, nếu có chăng họ chỉ mời chuyên gia tham vấn,  chỉ có Nhà nước mới có cán bộ, cơ quan chuyên trách công tác này thôi. Theo nguyên lý cuộc sống thì bất cứ một công việc gì cũng phải có kế hoạch, đó là ý tưởng và phương án cần đạt được trong tương lai, mà cuộc sống rất đa dạng nên không có bản kế hoạch nào giống nhau. Nói như vậy để thấy kế hoạch chỉ là sản phẩm chủ quan của chủ thể quản lý, nhà doanh nghiệp, của cấp chính quyền, của các ngành chuyên môn. Cho nên ai cũng có thể làm kế hoạch nhưng để có một bản kế hoạch tốt là rất khó, vì kết quả, hiệu quả của nó sau một thời gian nhất định, một năm, 5 năm, thâm chí có tầm nhìn chiến lược xa hơn nữa nên những người làm việc kế hoạch đó thường gọi chung là cán bộ hoạch định. Không phải nước nào cũng có cơ quan kế hoạch chuyên trách như ở nước ta, các nước theo cơ chế thị trường thường hoạch định kế hoạch và chiến lược thông qua đặt hàng các cơ quan tư vấn độc lập, các cơ quan nghiên cứu chính sách, từ đó cấp chính quyền (Chính phủ) hay nhà quản trị kinh doanh tổng hợp lại lựa chọn phương án tốt nhất đưa ra được cấp chủ quản chấp thuận để triển khai thực hiện. Nhìn lại chức năng nhiệm vụ của Sở, trong cơ quan luôn có hai nhóm cán bộ, đó là cán bộ nghiệp vụ mang tính giúp việc thuần túy công việc kỹ thuật tổng hợp thông tin, cập nhật số liệu theo bảng biểu được quy định, với công việc này không cần trình độ đại học chuyên sâu, có kỹ năng tính toán và công nghệ thông tin, trước đây công việc này thường là cán bộ nghiệp vụ có trình độ trung cấp; chức năng chính của cơ quan kế hoạch là có năng lực hoạch định, dự báo xu hướng phát triển của nền kinh tế, lượng hóa sự tác động các nhân tố ảnh hưởng, cân đối vĩ mô các yếu tố trong mối tương quan tổng thể với từng mục tiêu cần đạt trong một thời kỳ nhất định, loại cán bộ này gọi là cán bộ chiến lược, nhà kinh tế mà thường gọi là cán bộ tham mưu.
       Qua nghiên cứu đội ngũ cán bộ của Sở hiện nay rất mừng là đa số được đào tạo cơ bản có chất lượng khá tốt nếu mỗi người có ý thức cầu tiến, có hoài bão thì rất nhiều bạn có thể trở thành cán bộ tham mưu giỏi, là nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh. Song bằng kinh nghiệm thực tiễn của mình và những kiến thức có được về ngành kế hoạch rất mong muốn được hỗ trợ cùng các bạn xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng nhiệm vụ cơ quan tham mưu chiến lược của tỉnh.
       Thực tế các bạn đã thấy trong xã hội có quá nhiều người có trình độ đại học, trên đại học về kinh tế nhưng có mấy ai trở thành chuyên gia kinh tế, kết quả học tập trong trường đại học đạt điểm rất cao nhưng vào thực tế nhiều người không phát huy được hoặc có người rất thông minh nhưng không đề xuất được ý tưởng nào cho lãnh đạo… Chúng ta phải tự hỏi vì sao ? Nếu ta công tác tại Sở Kế hoạch và Đầu tư như vậy có phù hợp không ? Nấc thang thăng tiến có cơ hội không ? công tác tham mưu của Sở Kế hoạch và Đầu tư là gì ? Người làm công tác tham mưu phải thế nào ? Có các điều kiện gì để thực hiện ?… Khi chúng ta trả lời và thực hiện được những điều đó chắc chắn sẽ thành công.
       Theo tôi muốn làm tốt công tác tham mưu, trước hết phải hiểu, nhận biết lĩnh vực đang tham mưu là gì, từ đó tự nghiên cứu những khái niệm, nguyên lý vận động, quan hệ tương tác về lĩnh vực đó một cách nghiêm túc để thấy được bản chất của vai trò, tổng hợp các cơ chế vận hành, nhất là cơ chế luật pháp, chính sách hiện hành đang điều chỉnh lĩnh vực đó, thường xuyên cập nhật các dữ liệu để minh chứng cho những ý tưởng sẽ tham mưu, đây là quá trình tích lũy kiến thức và chỉ có thể thực hiện được khi mình thực sự yêu ngành, yêu công việc, luôn có ý thức tìm kiếm, phát hiện cái mới như là sự khao khát, thú vui, coi đó là việc vì mình chứ không vì nhiệm vụ cơ quan, từ đó biết chia sẻ thông tin cho nhiều người cùng quan tâm; cán bộ tham mưu phải nhận biết lãnh đạo đang mong mình hỗ trợ giải quyết vấn đề gì để đề xuất các giải pháp thích hợp đủ cơ sở, có sức thuyết phục cho người lãnh đạo đưa ra quyết định kịp thời, hiệu quả; làm cán bộ tham mưu phải tự tin, biết lắng nghe và thuyết phục, không bảo thủ nhưng biết khẳng định để thực sự là chỗ dựa tin cậy cho người lãnh đạo khi ra quyết định quản lý và điều hành. Vậy bên cạnh những kiến thức đã có ở trên cần phải biết kiên trì, nhẫn nại sẵn sàng nhận bất kỳ việc gì mà lãnh đạo giao kể cả việc đó không phải mình phụ trách, bởi đó là môi trường, là điều kiện tiếp cận và trau dồi kiến thức thực tiễn mà hàng ngày chúng ta cần học, ngay việc dự họp, dự ngày kỷ niệm, sinh hoạt cộng đồng, đi thực tế... từ đó học được tổ chức, cách viết bài diễn văn, kỹ năng thuyết trình trước diễn đàn hay công chúng, cách trang trí hội nghị … Làm tham mưu công tác kế hoạch bao giờ cũng mang tính tổng hợp, khách quan, giải quyết các mối quan hệ tổng hòa xã hội, chẳng hạn nói đến nông nghiệp liên quan đến lao động nông thôn, rồi trình độ dân trí, chất lượng lao động, mức sống dân cư, tập quán sản xuất, giống cây trồng vật nuôi, nguồn vốn… Do vậy, người làm tham mưu phải có kiến thức chuyên sâu và am hiểu rộng, nhất là kiến thức bổ trợ về đời sống xã hội … Vì suy cho cùng quyết định các cấp lãnh đạo đều nhằm giải quyết các mục tiêu lợi ích của cộng đồng xã hội nên càng tham gia nhiều lĩnh vực càng nhiều kinh nghiệm và kiến thức toàn diện khi đưa ra giải pháp tham mưu luôn thấu tình đạt lý. Vấn đề cơ bản cần có của một cán bộ tham mưu là biết thể hiện, truyền đạt ý tưởng của mình đến cấp lãnh đạo, muốn vậy phải có kỹ năng ngôn ngữ viết và nói, nếu chỉ có một trong hai kỹ năng đó kết quả tham mưu chắc chắn hạn chế. Vì nội dung tham mưu chính thức bao giờ cũng thể hiện bằng văn bản, yêu cầu phải ngắn, đủ, rõ ràng mạch lạc, có lập luận lôgic… muốn có được điều đó không có cách nào khác là phải đọc nhiều để rèn luyện kỹ năng, tìm hiểu tài liệu về lĩnh vực quan tâm, học những bản văn kiện chính thống hoặc của các ngành, các địa phương, các văn bản tương tự, đây là việc khó, nhiều cán bộ rất ngại có cảm giác sợ lẫn tránh, qua kết quả tham gia đề tài nghiên cứu khoa học, góp ý kiến thẩm định các đề án, chương trình, các bản quy hoạch ngành, địa phương thấy rất rõ điều này nhưng nếu cố gắng, tích cực chắc chắn thực hiện được, phương pháp rèn luyện từ các văn bản đơn giản, nội dung cụ thể rồi mở rộng dần mang tính tổng hợp, khi chuẩn bị một văn bản phải có tư duy sắp đặt ý tứ trước để chuẩn bị tư liệu cần thiết, nội dung ban đầu rất phong phú mạnh dạn cứ đưa hết những ý tưởng vào văn bản sau đó soát xét, sắp xếp lại, bỏ những điểm thiếu phù hợp, đảm bảo tính logic vấn đề, mỗi lần viết là một lần chú ý rút kinh nghiệm để lần sau tốt hơn, đến một thời gian nhất định thành quen và sẽ thành kỹ năng tự nhiên, đến một giai đoạn nào đó trở thành kỹ xảo. Tuy nhiên văn bản tham mưu là sản phẩm của tập thể nếu chỉ tham mưu gián tiếp qua văn bản thì chỉ mới ngang tầm giúp việc chứ chưa đủ thể hiện được năng lực cá nhân tham mưu cho lãnh đạo khi cần thiết, đó là khả năng bảo vệ quan điểm tham mưu của mình hoặc thuyết phục lãnh đạo khi ra quyết định, chính điểm này giúp bạn tự tin và có cơ hội thăng tiến. Do vậy các bạn phải có ý thức rèn luyện, mạnh dạn tham gia phát biểu ý kiến tại các cuộc hội nghị, cuộc họp, diễn đàn, hội thảo sinh hoạt nhóm... Kỹ năng này không đến nổi khó chỉ cần tích cực, mạnh dạn, ban đầu có thể phát biểu dài, lan man dần dần rút kinh nghiệm điều chỉnh, để tự tin cần chuẩn bị cả ý tưởng, nội dung logic trước càng chi tiết càng tốt, tùy theo diễn biến cuộc hội nghị để lựa chọn vấn đề tham gia, nên phát biểu sâu vào những vấn đề chuyên môn của mình trước, sau đó nêu thêm những vấn đề khác có liên quan đến nội dung chính để vừa bảo vệ quan điểm của mình vừa chia sẻ với cá ý tưởng khác. Tuy rằng kỹ năng này chỉ bổ trợ nhưng lại là yếu tố trực tiếp thể hiện năng lực cá nhân rất quan trọng trong đánh giá năng lực chuyên môn.
       Có thể thấy môi tường và điều kiện công tác tại cơ quan Sở Kế hoạch và Đầu tư rất thuận lợi để giúp bạn thể hiện đủ năng lực cán bộ tham mưu, đó là yêu cầu có tính tiên quyết tham mưu hoạch định phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, chuẩn bị xây dựng văn kiện Đại hội đảng bộ tỉnh lập kế hoạch kinh tế xã hội 5 năm, hàng năm đều phải dựa vào các văn kiện của Đảng và chính sách của Nhà nước, như vậy mỗi cán bộ (phòng) tham mưu từng ngành đều phải nghiên cứu nghiêm túc, qua đó thể hiện được các nguyên lý vận động, các xu thế phát triển, những mục tiêu cần đạt tới của Đảng, các chính sách Nhà nước chính là cụ thể hóa các văn kiện đó sẽ được thực hiện theo lộ trình từng năm. Hàng năm trước khi bước vào mùa lập kế hoạch Bộ Kế hoạch và Đầu tư bao giờ cũng có các văn bản hướng dẫn, các ý tưởng ban đầu thường khá mới đều tổ chức các cuộc hội thảo mà cơ quan kế hoạch được mời tham gia, đó là những thông tin, tư duy mới lần lượt sẽ đưa ra thực hiện, ngoài ra trước khi ban hành một số chính sách Chính phủ thường giao cho các Bộ và phối hợp với các tổ chức quốc tế tổ chức các hội thảo, thông thường các báo cáo này được tiếp thu các lý thuyết mới, các mô hình mới hoặc là tổng kết thực tiễn của trong nước và các nước nên rất bổ ích; cơ quan kế hoạch thường xuyên được dự các họp quan trọng của tỉnh, cán bộ cũng được tiếp cận các vị lãnh đạo nên rất thuận lợi nắm bắt ý đồ, mục đích điều hành của lãnh đạo và là để bày tỏ khả năng tham mưu của mình. Mặt khác tại Sở Kế hoạch và Đầu tư là nơi tiếp nhận nhiều thông tin từ các nguồn thống kê, các Sở, Ban ngành và các địa phương thông qua các báo cáo quy hoạch ngành và lãnh thổ, kết quả thực hiện hàng năm và các thời điểm trong năm, không những thế cơ quan kế hoạch là trung tâm thẩm định các dự án, chương trình quan trọng của tỉnh và là cơ quan theo dõi đánh giá hiệu quả đầu tư, như vậy về mặt số liệu cơ bản và thực hiện thường xuyên cập nhật, vấn đề là các phòng chuyên môn, các cán bộ nghiệp vụ có tích hợp thành hệ thống dữ liệu giúp cho mình trong công việc hay không, bên cạnh đó cơ quan cũng hết sức quan tâm trang bị cơ sở vật chất phương tiện về hệ thống thông tin, cổng điện tử, trang web để khai thác và cập nhật thông tin, tài liệu nghiên cứu. Tổng hợp lại công tác tại Sở Kế hoạch và Đầu tư rất thuận lợi cho mỗi cán bộ phát huy năng lực, kiến thức của mình để lập thân, lập nghiệp và cũng là nơi đảo tạo cán bộ nguồn chiến lược của Tỉnh.
       Với thâm tâm của mình là người đi trước, là thành viên lãnh đạo cơ quan, tôi xin đưa ra vài cảm nhận chủ quan chia sẻ cùng các bạn, với một lời khuyên mỗi người phải tự chọn cho mình một con đường tiến thân và sự nghiệp, và tại Sở Kế hoạch và Đầu tư bạn nên chọn hoặc là cán bộ giúp việc hoặc là cán bộ tham mưu.
       Xin cám ơn các bạn!

Tác giả bài viết: Nguyễn Huy - P.Giám đốc

SỞ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ QUẢNG TRỊ
ĐC: 128 Hoàng Diệu - P. Đông Thanh - TP. Đông Hà - Quảng Trị
ĐT: 0233 3852 529 - Fax: 0233 3851760
Email: sokhdt@quangtri.gov.vn
HỆ THỐNG CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH QUẢNG TRỊ