Chi tiết tin - Sở Kế Hoạch Đầu Tư

Công tác bảo vệ và phát triển rừng ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2015-2020

24/04/2015 09:40:00

Ngày 22/01/2015 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 120/QĐ-TTg về việc phê duyệt đề án bảo vệ và phát triển rừng ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2015-2020.

Mục tiêu của Đề án nhằm Phát huy chức năng phòng hộ của rừng ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ hệ thống đê biển, cơ sở hạ tầng, bảo tồn đa dạng sinh học; góp phần phát triển kinh tế, xã hội và củng cố quốc phòng, an ninh quốc gia; Bảo vệ được diện tích rừng ven biển hiện có 310.695 ha và  Trồng mới 46.058 ha, nâng tổng diện tích rừng ven biển đến năm 2020 lên 356.753 ha và độ che phủ rừng ven biển từ 16,9% (năm 2014) lên 19,5% vào năm 2020.
        Nhiệm vụ của Đề án:
(1). Bảo vệ diện tích rừng hiện có 310.695 ha;
(2) Phục hồi 9.602 ha rừng kém chất lượng;
(3) Trồng rừng mới: 46.058 ha (trong đó:rừng phòng hộ, đặc dụng ven biển 37.008 ha, gồm: Trồng rừng ngập mặn: 29.500 ha, trồng rừng chắn gió, chắn cát ven biển 7.508 ha; Trồng rừng sản xuất ven biển kết hợp phòng hộ: 9.050 ha.
(4) Trồng cây phân tán ven biển: 23,5 triệu cây.
        Tổng nhu cầu vốn để thực hiện Đề án giai đoạn 2014 - 2020 là 5.415 tỷ đồng (bình quân mỗi năm 902,5 tỷ đồng).
        Nguồn vốn để thực hiện Đề án, gồm: vốn ngân sách nhà nước (chiếm 70%) và vốn ODA (chiếm 25,8%) và các nguồn vốn hợp pháp khác (chiếm 4,2%).
+ Vốn ngân sách Nhà nước bao gồm: Kế hoạch Bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 - 2020 theo Quyết định số 57/QĐ-TTg ngày 09 tháng 01 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ; vốn Chương trình mục tiêu quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn 2012 - 2015 theo Quyết định số 1183/QĐ-TTg ngày 30 tháng 8 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ; vốn Chương trình hỗ trợ và ứng phó với biến đổi khí hậu (SP-RCC); Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016 - 2020; Vốn Chương trình đầu tư củng cố, bảo vệ và nâng cấp đê biển theo Quyết định số 58/2006/QĐ-TTg ngày 14 tháng 3 năm 2006 và Quyết định số 667/QĐ-TTg ngày 27 tháng 5 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ.
+ Vốn ODA.
+ Các nguồn vốn hợp pháp khác, gồm: Nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng; kinh phí trồng rừng thay thế của các tổ chức chuyển đổi mục đích sử dụng rừng; vốn đầu tư của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân.
        Cơ chế đầu tư của Đề án: ngân sách trung ương chỉ tập trung đầu tư có mục tiêu cho các tỉnh ven biển chưa tự cân đối được ngân sách; các tỉnh, thành phố tự cân đối được ngân sách có trách nhiệm bố trí từ ngân sách địa phương, đồng thời vận động thu hút các nguồn vốn viện trợ quốc tế, vốn vay tín dụng và huy động các nguồn vốn khác để thực hiện các nhiệm vụ của Đề án.
        Mức đầu tư: Đối với khoanh nuôi tái sinh rừng và khoán bảo vệ rừng phòng hộ, đặc dụng ven biển bình quân bằng 1,5 lần so với mức khoán bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn theo quy định. Mức khoán cụ thể do UBND tỉnh quyết định phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Đối với trồng rừng mới và trồng bổ sung, phục hồi rừng phòng hộ, đặc dụng ven biển thực hiện theo thiết kế, dự toán được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt trên cơ sở các định mức kinh tế - kỹ thuật hiện hành phù hợp với điều kiện thi công cụ thể của từng địa phương. Các hạng mục đầu tư khác (bảo tồn đa dạng sinh học; kiểm kê, giám sát diễn biến rừng ven biển; nghiên cứu khoa học; trồng cây phân tán; tuyên truyền giáo dục,...) thực hiện theo dự án, kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
        Tổ chức thực hiện:  Ủy ban nhân dân các tỉnh vùng ven biển:
- Chỉ đạo xây dựng quy hoạch, kế hoạch bảo vệ, phát triển rừng ven biển giai đoạn 2015 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 của tỉnh;
- Chỉ đạo rà soát, lập các dự án đầu tư có liên quan đến bảo vệ và phát triển rừng ven biển theo các nguồn vốn, gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định trước khi phê duyệt.
c) Chỉ đạo rà soát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; kiên quyết thu hồi đối với những diện tích đất thuộc hành lang an toàn bảo vệ đê, diện tích quy hoạch trồng rừng ven biển bị các tổ chức, cá nhân lấn chiếm, sử dụng trái phép, hoặc những diện tích đất sử dụng không đúng mục đích, không hiệu quả để khôi phục và trồng lại rừng theo quy định.
d) Tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát các Dự án bảo vệ và phát triển rừng ven biển được duyệt; hàng năm báo cáo kết quả Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
đ) Chỉ đạo công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho mọi tầng lớp trong xã hội về vai trò, chức năng của rừng ven biển; vận động nhân dân và các thành phần kinh tế tích cực tham gia bảo vệ và phát triển rừng ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu; tổ chức quản lý, bảo vệ rừng ven biển theo các quy định hiện hành.
        Danh mục các dự án trên địa bàn tỉnh được phê duyệt tại Quyết định số 120/QĐ-TTg:
        Tổng số: 06 dự án. Trong đó:
        1. Danh mục các dự án trồng rừng ven biển từ nguồn vốn Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020 theo Quyết định số 57/QĐ-TTg (02 dự án), gồm:
- 01 dự án đã được phê duyệt, tiếp tục triển khai thực hiện:
Tên dự án: Hỗ trợ trồng rừng sản xuất thuộc Dự án bảo vệ và phát triển rừng
Địa điểm thực hiện: Hải Lăng, Gio Linh, Vĩnh Linh
Quy mô: Trồng 600 ha rừng.
Thời gian thực hiện: Từ 2014-2020
- 01 dự án đề xuất xây dựng mới:
Tên dự án: Tiếp tục bố trí nguồn kinh phí từ Chương trình bảo vệ và phát triển rừng 2011 - 2020 để trồng, nâng cấp rừng phòng hộ đối với các diện tích rừng đã trồng của các dự án 327, 773 và 661.
Địa điểm thực hiện: Hải Lăng, Gio Linh, Triệu Phong
Quy mô: 1.500 ha (Thuộc hạng mục khác: Trồng nâng cấp phục hồi 1.500 ha rừng phòng hộ)
Thời gian thực hiện: Từ 2014-2020
        2. Danh mục các dự án  trồng rừng ven biển bằng nguồn vốn ứng phó biến đổi khí hậu (01 dự án), gồm:
- 01 dự án mở mới (Vốn chương trình SP-RCC và Chương trình mục tiêu ứng phó BĐKH)
Tên dự án: Dự án trồng rừng trên cát nhằm giảm nhẹ thiên tai và cải thiện đời sống của người dân vùng cát tỉnh Quảng Trị
Địa điểm thực hiện: Triệu Phong, Hải Lăng Quảng Trị
Quy mô: Trồng rừng 200 ha; Bảo vệ rừng 200 ha.
Thời gian thực hiện: 2015-2020
(Dự án đã triển khai trồng rừng năm 2013 và tiếp tục chăm sóc, bảo vệ rừng)
        3. Danh mục các dự án ưu tiên có hạng mục trồng rừng ven biển giai đoạn 2015-2020 từ nguồn vốn củng cố, bảo vệ, nâng cấp đê biển (03 dự án), gồm:
3.1.Tên dự án: Nâng cấp đê Vĩnh Thái (có trồng cây chắn sóng)
Địa điểm thực hiện: Vĩnh Linh
Quy mô: Trồng rừng 3 ha.
Thời gian thực hiện: 2014
3.2. Tên dự án: Nâng cấp đê Bắc Phước (có trồng cây chắn sóng)
Địa điểm thực hiện: Triệu Phong
Quy mô: Trồng rừng 5 ha.
Thời gian thực hiện: 2014
3.3. Tên dự án: Trồng cây chắn sóng
Địa điểm thực hiện: Triệu Phong, Hải Lăng, Vĩnh Linh, Gio Linh.
Quy mô: Bảo vệ rừng 80 ha.
Thời gian thực hiện: 2015-2020.

Tác giả bài viết: Phòng NN&PTNT

SỞ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ QUẢNG TRỊ
ĐC: 128 Hoàng Diệu - P. Đông Thanh - TP. Đông Hà - Quảng Trị
ĐT: 0233 3852 529 - Fax: 0233 3851760
Email: sokhdt@quangtri.gov.vn
HỆ THỐNG CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH QUẢNG TRỊ