Chi tiết tin - Sở Kế Hoạch Đầu Tư

TÁI CƠ CẤU KINH TẾ GẮN VỚI CHUYỂN ĐỔI MÔ HÌNH TĂNG TRƯỞNG THEO HƯỚNG NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ VÀ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CỦA TỈNH QUẢNG TRỊ GIAI ĐOẠN 2013 - 2020 (phần 2)

05/10/2015 09:48:00

Định hướng và giải pháp tái cơ cấu gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng của tỉnh đến năm 2020.

 Dựa trên kết quả nghiên cứu đối với 4 lĩnh vực, bao gồm các ngành kinh tế, các thành phần kinh tế, các vùng kinh tế và nguồn vốn đầu tư, nhóm nghiên cứu đã đề xuất một số định hướng chuyển dịch cơ cấu cụ thể như sau:

      (1) Đối với cơ cấu kinh tế ngành, nội ngành và một số sản phẩm chủ yếu: Thực hiện các giải pháp đồng bộ, hiệu quả để triển khai các chương trình, đề án, lĩnh vực mang tính đột phá như tập trung đầu tư xây dựng và phát triển trục kinh tế kết nối Khu kinh tế Đông - Nam với Hành lang Kinh tế Đông - Tây và Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo; Khu kinh tế cửa khẩu La Lay; Khu du lịch biển Cửa Việt - Cửa Tùng - đảo Cồn Cỏ; xây dựng và quảng bá thương hiệu du lịch tâm linh, du lịch hoài niệm, du lịch sinh thái biển; Kêu gọi, thu hút đầu tư phát triển công nghiệp năng lượng, dệt may, chế biến nông, lâm, thủy sản; kinh tế biển.... nhằm từng bước tái cơ cấu kinh tế theo hướng tăng mạnh hơn tỷ trọng công nghiệp - xây dựng cao hơn tỷ trọng thương mại - dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp (giai đoạn 2011 - 2015 tỷ trọng dịch vụ lớn hơn tỷ trọng công nghiệp - xây dựng).
      (2) Đối với cơ cấu các thành phần kinh tế: Tập trung thực hiện mạnh mẽ việc sắp xếp, đổi mới DNNN mà trọng tâm là thực hiện nhanh, đảm bảo đúng quy định và kiểm soát chặt chẽ, minh bạch cổ phần hóa DNNN. Chỉ giữ 2 DNNN nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoạt động trong lĩnh vực công ích.
Tiếp tục củng cố, đổi mới các hợp tác xã về mô hình tổ chức và quản lý theo Luật Hợp tác xã năm 2012; đồng thời gắn với thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới.
Nghiên cứu, đề xuất các cơ chế chính sách, giải pháp phù hợp, tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển, trở thành động lực chủ yếu để phát triển kinh tế của tỉnh.
Thực hiện tốt hơn công tác thu hút vốn đầu tư nước ngoài FDI theo hướng ưu tiên những dự án có tiềm lực về vốn, công nghệ và trình độ quản lý, thân thiện với môi trường.

      (3) Đối với cơ cấu kinh tế theo vùng, lãnh thổ: Vùng đồng bằng đô thị chuyển dịch cơ cấu theo hướng lấy ngành công nghiệp làm động lực phát triển chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn vùng. Các ngành công nghiệp có lợi thế cần tập trung phát triển gồm: công nghiệp chế biến (cao su, hồ tiêu, lương thực, thực phẩm, tinh bột sắn, thủy hải sản, lâm sản...); công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng (xi măng, đá xây dựng, phụ gia xi măng, vật liệu xây, tấm lợp...); cơ khí (đóng và sửa chữa phương tiện vận tải, máy nông nghiệp, cán kéo thép, cơ khí chế tạo, sản xuất phụ tùng, linh kiện máy móc, phụ tùng xe máy, xe đạp; lắp ráp xe ô tô tải nhẹ...); Đồng thời, phát triển các ngành công nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu như dệt may, hàng mỹ nghệ; các sản phẩm phục vụ khách du lịch và xuất khẩu.

      Vùng ven biển - hải đảo được xác định phát triển du lịch - dịch vụ biển, đảo trở thành một trong những ngành kinh tế chủ lực; trọng tâm là tam giác du lịch Cửa Việt - Cửa Tùng - Cồn Cỏ gắn với tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây. Đồng thời, chú trọng phát triển thủy sản thành ngành kinh tế mạnh của tỉnh gắn liền với việc tổ chức tốt dịch vụ hậu cần nghề cá tại Cửa Việt, Cửa Tùng; xây dựng đảo Cồn Cỏ thành căn cứ hậu cần nghề cá khu vực theo hướng lưỡng dụng. Xây dựng hệ thống chợ thủy sản ở các vùng trọng điểm đánh bắt và nuôi trồng, hệ thống chế biến sản phẩm thủy sản, hình thành các trung tâm tiêu thụ lớn của các vùng nuôi trồng tập trung.
Vùng miền núi - gò đồi lấy động lực phát triển tập trung vào lĩnh vực thương mại - dịch vụ thông qua khai thác có hiệu quả Khu Kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo và hệ thống các trung tâm thương mại trên tuyến đường quốc lộ 9, trục đường Hồ Chí Minh; đề án thành lập khu kinh tế cửa khẩu La Lay; Nâng cao chất lượng hoạt động thương mại biên giới.

      (4) Đối với tái cơ cấu nguồn vốn đầu tư: Cơ cấu đầu tư theo nguồn vốn chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng vốn đầu tư khu vực kinh tế nhà nước, phát triển mạnh kinh tế tư nhân, kinh tế tập thể và thu hút đầu tư nước ngoài.

      Tương ứng với chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành, nhóm nghiên cứu đề xuất tái cơ cấu đầu tư đối với các ngành theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp, tỷ trọng vốn đầu tư cho lĩnh vực dịch vụ không thay đổi. Trong đó, đầu tư nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp; đầu tư vào công nghiệp theo hướng tập trung phát triển một số ngành công nghiệp tiềm năng, lợi thế như công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, công nghiệp may mặc, sản xuất vật liệu xây dựng...; Đầu tư phát triển lĩnh vực thương mại - dịch vụ tập trung cho quảng bá, xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh như du lịch biển đảo, du lịch tâm linh, hoài niệm...
Cơ cấu đầu tư theo vùng chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng vùng đồng bằng - đô thị và vùng núi - gò đồi, tăng tỷ trọng vùng ven biển - hải đảo; Chuyển dịch đầu tư trong nội bộ các vùng theo hướng từ tập trung nguồn lực cho vùng có lợi thế phát triển, đồng thời thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.
Gắn với các định hướng nói trên, để đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2020, Nhóm nghiên cứu đề tài đã đề xuất hệ thống gồm 13 giải pháp đồng bộ, hiệu quả nhằm tập trung tháo gỡ các khó khăn để thực hiện tái cơ cấu gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh của tỉnh, bao gồm:

      Thứ nhất: Nhóm giải pháp cải thiện và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Tập trung vào đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao tinh thần trách nhiệm và ý thức công vụ của cán bộ, công chức; thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính để tạo thuận lợi tối đa, giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp trong các lĩnh vực cấp phép đầu tư, thuế, hải quan, đăng ký kinh doanh, cấp đất, thuê đất...;  Kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện pháp luật của các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế; Đổi mới chế độ ưu đãi đầu tư và cơ chế quản lý đầu tư nhằm thu hút, định hướng đầu tư tư nhân trong và ngoài nước phù hợp với quy định của pháp luật...
      Thứ hai: Nhóm giải pháp phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng tăng quy mô, hiện đại, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và bền vững kết hợp với xây dựng nông thôn mới. Tập trung thực hiện rà soát, sửa đổi, bổ sung quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch sản xuất nông nghiệp trên cơ sở phát huy lợi thế sản phẩm và lợi thế vùng miền; Bảo đảm  tỷ trọng vốn đầu tư của ngân sách nhà nước cho phát triển nông nghiệp, nông thôn; chú trọng công tác khuyến nông, đào tạo phát triển sinh kế, nâng cao chất lượng sống của nhân dân và cộng đồng; khuyến khích sự tham gia của các thành phần kinh tế vào phát triển nông thôn; Ưu tiên đầu tư phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản; Hỗ trợ nông dân thay đổi và nâng cao chất lượng giống cây trồng, vật nuôi, nâng cao chất lượng sản phẩm; Đẩy mạnh thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới…
      Thứ ba: Tiếp tục thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; nâng cao chất lượng doanh nghiệp tư nhân. Trong đó, tập trung tổ chức thực hiện tốt các cơ chế, chính sách của Trung ương và  địa phương để thực hiện mục tiêu đẩy mạnh phát triển kinh tế tư nhân và kinh tế hợp tác, hợp tác xã. Huy động và nâng cao hiệu quả thu hút vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân; Đa dạng hóa các kênh thông tin hỗ trợ công tác theo dõi, phân tích thị trường; hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại để các doanh nghiệp tìm kiếm thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu; Thực hiện tốt chính sách đào tạo nguồn nhân lực, trọng tâm là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp;…
      Thứ tư: Thực hiện hiệu quả các giải pháp hỗ trợ phát triển các cụm sản xuất liên ngành; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu, nâng cao hiệu quả và liên kết giữa các ngành, lĩnh vực, vùng kinh tế. Hoàn thành hệ thống hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã được thành lập để thu hút các cơ sở sản xuất công nghiệp. Tập trung đầu tư và phát triển hạ tầng thiết yếu tại Khu Đông Nam Quảng Trị làm cơ sở để thu hút các dự án động lực; đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trị 1.200MW; Kêu gọi, thu hút nhà đầu tư có năng lực vào xây dựng cảng biển Mỹ Thủy; xúc tiến đầu tư Dự án cấp nước sông Nhùng theo hình thức PPP để cấp nước cho khu Đông Nam…; Thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp có giá trị gia tăng cao; Quy hoạch phát triển nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến như gỗ rừng trồng, cây cao su, cây hồ tiêu, cây cà phê, cây chuối …

      Thứ năm: Phát huy lợi thế của từng vùng, chuyển đổi và hình thành cơ cấu vùng kinh tế hợp lý, đa dạng về ngành, nghề và trình độ phát triển. Thiết lập cơ chế phối hợp phát triển kinh tế - xã hội giữa các địa phương, khắc phục tình trạng sao chép cơ cấu kinh tế và đầu tư theo phong trào. Ưu tiên nguồn lực và tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo để xây dựng và phát triển các vùng, hành lang, khu kinh tế trọng điểm…

      Thứ sáu: Tái cơ cấu theo hướng thúc đẩy tăng trưởng xanh, gắn với bảo vệ môi trường. Thực hiện "công nghiệp hóa sạch" thông qua rà soát, điều chỉnh những quy hoạch ngành hiện có; lựa chọn, cấp phép đầu tư những dự án sử dụng công nghệ xanh, sạch, ít tác động đến môi trường hoặc có đầu tư quy trình xử lý chất thải đạt chuẩn; Sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên, khuyến khích phát triển công nghiệp xanh, nông nghiệp xanh với cơ cấu ngành nghề, công nghệ, thiết bị bảo đảm nguyên tắc thân thiện với môi trường, đầu tư phát triển vốn tự nhiên; tích cực ngăn ngừa và xử lý ô nhiễm; Có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp có những hành động thiết thực để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, xây dựng các ngành công nghiệp xanh và năng lượng tái tạo cũng như tiến tới sử dụng các công nghệ mới; Chú trọng kêu gọi hợp tác quốc tế cho các hoạt động tăng trưởng xanh…

      Thứ bảy: Đổi mới cơ chế, chính sách huy động, phân bổ, sử dụng vốn đầu tư. Tổ chức thực hiện nghiêm túc Luật đầu tư công nhằm tăng cường quản lý các nguồn vốn đầu tư của nhà nước; tăng cường kỷ luật, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong sử dụng vốn đầu tư nhà nước, bảo đảm kiểm soát chặt chẽ nợ công; Thực hiện nhất quán, hiệu quả kế hoạch đầu tư trung hạn; Khuyến khích các thành phần kinh tế ngoài nhà nước đầu tư vào các ngành, lĩnh vực mà khu vực tư nhân có khả năng và sẵn sàng đầu tư kinh doanh như các dịch vụ thương mại, khách sạn, nhà hàng, kinh doanh bất động sản, sản xuất vật liệu xây dựng...; Thực hiện tốt cơ chế huy động nguồn lực, chế độ ưu đãi, khuyến khích đầu tư để thu hút, huy động tư nhân đầu tư phát triển hạ tầng theo các hình thức đầu tư kết hợp công - tư thích hợp (PPP, BT, BOT, BO,...); Thực hiện công khai, minh bạch thông tin về đầu tư; tăng cường thẩm quyền và năng lực của hệ thống giám sát đối với đầu tư công, khuyến khích và tạo điều kiện cho hoạt động giám sát của cộng đồng đối với các dự án đầu tư công, hoạt động đầu tư công...
      Thứ tám: Phát triển khoa học và công nghệ thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế, gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao và ứng dụng khoa học - công nghệ vào các lĩnh vực quản lý, sản xuất, kinh doanh, nhất là ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ sản xuất vật liệu mới. Phát triển một số ngành sản xuất, dịch vụ có hàm lượng khoa học - công nghệ cao, công nghệ mới... Nhân rộng các mô hình, áp dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học - công nghệ; Mở rộng giao lưu hợp tác khoa học và công nghệ nhằm tranh thủ nguồn lực, tiếp thu công nghệ mới; Phát huy vai trò của Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật trong phản biện khoa học, phản biện xã hội; Nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp khoa học công nghệ.
      Thứ 9: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và năng suất lao động trên địa bàn tỉnh. Thực hiện tốt các chương trình đào tạo nghề cho người lao động gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới; Giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đào tạo, nhất là các trường dạy nghề; Thực hiện thí điểm chuyển đổi mô hình trường công lập sang cơ sở giáo dục do cộng đồng, doanh nghiệp quản lý và đầu tư. Đẩy mạnh dạy nghề, gắn công tác đào tạo nghề với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp và xã hội; Tăng cường công tác dự báo nhu cầu nhân lực ở các ngành, các lĩnh vực nhằm chủ động trong thu hút, bố trí, sử dụng và đào tạo phát triển nguồn nhân lực phù hợp nhu cầu thực tiễn của địa phương. Xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực một cách cân đối, phù hợp với mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế và xu hướng phát triển các ngành, lĩnh vực có lợi thế...

      Ngoài ra, một số nhóm giải pháp mang tính hỗ trợ cũng được đề xuất như: Giải pháp nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, kế hoạch; Thực hiện tốt chủ trương của Chính phủ về tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế của tỉnh; Gắn tăng trưởng với giảm nghèo bền vững và đảm bảo an sinh; Đẩy mạnh hoạt động đối ngoại, chủ động mở rộng hợp tác khu vực và quốc tế...

     Sau hơn 1 năm tổ chức nghiên cứu, kết quả của đề tài, đặc biệt là các nhóm giải pháp được đề xuất đã trở thành những luận cứ khoa học quan trọng để Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh và Tiểu ban Văn kiện xây dựng Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 – 2020; đồng thời là cơ sở tham mưu các chủ trương, chính sách và giải pháp giải quyết các vấn đề nội tại của tỉnh, góp phần thúc đẩy sự phân bổ và sử dụng nguồn lực xã hội theo cơ chế thị trường vào các ngành, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh; hình thành và phát triển cơ cấu kinh tế hợp lý trên cơ sở cải thiện, nâng cấp trình độ phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế; phát triển kinh tế bền vững.

Tác giả bài viết: Trần Đức Tâm - TUV, UVUB, GĐ Sở KH&ĐT

SỞ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ QUẢNG TRỊ
ĐC: 128 Hoàng Diệu - P. Đông Thanh - TP. Đông Hà - Quảng Trị
ĐT: 0233 3852 529 - Fax: 0233 3851760
Email: sokhdt@quangtri.gov.vn
HỆ THỐNG CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH QUẢNG TRỊ